Ông Nguyễn Tiến Khoa: Cần 1 Nghị định riêng để phát triển điện gió ngoài khơi

Có thể nói chưa khi nào sức ép về đầu tư cho năng lượng tái tạo (NLTT) lại lớn như hiện tại, nhưng để đáp ứng đòi hỏi này thì vấn đề không chỉ phụ thuộc vào nguồn lực tài chính hay đơn giản là sự thuận lợi của bối cảnh chung. Vậy câu trả lời nằm ở đâu? Thời Đại đã phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNGENCO1 về nội dung trên.

-Thưa ông, EVNGENCO1 định hình chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) trong tương lai như thế nào?

-Phát triển NLTT từ lâu đã được xác định là 1 trong những nội dung trọng yếu trong chiến lược phát triển của EVNGENCO1. Là doanh nghiệp chủ lực trong sản xuất điện của EVN, trước sự dịch chuyển của xu thế sử dụng năng lượng, bên cạnh việc xác lập từ sớm từ xa lộ trình đầu tư vào NLTT thì chúng tôi cũng đã và đang chuẩn bị nguồn lực tài chính, kỹ thuật, con người cùng các yếu tố cần thiết liên quan. Xin được nhắc lại rằng EVNGENCO1 luôn chú trọng hướng đến NLTT vì mục tiêu chung là góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của khí thải theo cam kết của Chính phủ Việt Nam là năm 2050 đưa phát thải ròng về 0.

-Những công việc cụ thể EVNGENCO1 đã triển khai là gì, thưa ông?

-EVNGENCO1 đã có một nhà máy điện mặt trời trên hồ Đa Mi với công suất 47,5 MW đã đưa vào vận hành.

 

Ông Nguyễn Tiến Khoa: Cần 1 Nghị định riêng để phát triển điện gió ngoài khơi

 

Ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Phát điện 1

 

EVNGENCO1 hiện đã xúc tiến triển khai dự án nhà máy điện gió số 4 tại Bến Tre với công suất 120 MW. Đây là địa phương có tiềm năng gió rất tốt, thuận lợi cho phát triển lâu dài điện gió. Cùng với đó, EVNGENCO1 và Vietsovpetro cũng đã đề xuất với tỉnh Trà Vinh một dự án điện gió với tổng công suất khoảng 2000 MW tại khu vực ngoài khơi của tỉnh. Không dừng lại ở đây, chúng tôi cũng đã tìm hiểu, nghiên cứu và phác thảo dự định ban đầu về đầu tư điện gió ngoài khơi (ĐGNK) tại vùng biển từ Bắc Trung bộ trở ra. Đây là khu vực có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi trong phát triển ĐGNK.

-Mới đây khi cho ý kiến về sửa đổi Luật Điện lực, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cần nghiên cứu để tạo cơ chế đột phá, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới. Để cụ thể thể hóa quan điểm này, theo ông trước tiên cần nhận diện rõ ràng, chính xác những vấn đề gì?

-Thủ tướng đưa ra yêu cầu này theo tôi là hết sức hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh chung hiện nay của Việt Nam và thế giới khi tất cả đều hướng về mục tiêu giảm phát khí thải toàn cầu. Từ góc nhìn của một doanh nghiệp có tiềm lực, có kinh nghiệm đầu tư sản xuất điện quy mô lớn, tôi cho rằng có mấy khía cạnh mang tính nền tảng cần chú ý. Thứ nhất là chính sách. Ở đây chính sách không phải là điều gì xa xôi cả mà là những định hướng, những quy định hết sức cụ thể.

Chúng ta hiện đã có Quy hoạch điện 8, và trong Quy hoạch này cũng đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng cho phát triển NLTT. Vì vậy điều cần thiết nhất bây giờ là kế hoạch triển khai quy hoạch Điện 8 phải được phê duyệt sớm. Hiện nay sắp bước sang năm 2024, vì thế sự đòi hỏi kế hoạch triển khai gấp gáp hơn bao giờ hết.

Đó là nói về kế hoạch thực thi, tuy nhiên chỉ kế hoạch không thì cũng không giải quyết hết vấn đề. Vì vậy việc thứ 2 cũng rất cần thiết là chính sách liên quan để phát triển NLTT. Ở đây tôi muốn chúng ta nhìn rộng hơn là các nhà đầu tư NLTT ngoài nguồn lực, kinh nghiệm của mình, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư về tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng truyền tải và tạo điều kiện thuận lợi trong việc gải quyết các thủ tục liên quan.

Thứ 3, cụ thể hơn là với ĐGNK thì hiện cũng cần 1 loạt những chính sách cụ thể đi kèm và sự đòi hỏi cũng gấp gáp không kém.

-Cụ thể là gì, thưa ông?

-Xét tầm vĩ mô tôi thấy chúng ta cần xây dựng riêng một Nghị định cho phát triển ĐGNK. Vì sao tôi lại nói vậy vì đây là lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp của khá nhiều bộ ngành, từ quốc phòng an ninh, tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho đến công thương và các địa phương…Vì thế cần có 1 cơ quan làm đầu mối và một chính sách chung giúp đầu tư các dự án ĐGNK được thuận lợi.

Tiếp đó trong Nghị định này cũng cần làm rõ tiêu chí chọn lựa nhà đầu tư ĐGNK, để được đầu tư vào dự án ĐGNK phải đòi hỏi doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu gì…? Song song với đó là Nghị định cần đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trong việc lựa chọn Chủ đầu tư, quản lý vùng biển, nhiệm vụ của Bộ ngành có liên quan, quy định thời gian giải quyết thủ tục … từ đó tạo sự minh bạch và thông thoáng triệt để trong công tác thủ tục hành chính.

Vì vậy, ĐGNK cần 1 quy định có địa vị pháp lý ở cấp Nghị định. Nhưng nếu hỏi vậy đã đủ chưa thì chắc chắn là chưa. Bên cạnh đó chúng ta phải thiết kế các chính sách hỗ trợ liên quan như sớm công bố các vùng quy hoạch ĐGNK với thông số cụ thể từng vùng bao nhiêu MW, cơ chế tín dụng ưu đãi, giá bán điện hài hòa với lợi ích của các bên. Cùng với đó là quy hoạch hệ thống hạ tầng đáp ứng nhu cầu đấu nối truyền tải. Rất nhiều công việc đòi hỏi phải làm sớm vì thời gian không đợi ai.

-Trong tương lai, NLTT chiếm tỷ lệ thế nào trong cơ cấu của EVNGENCO1, thưa ông?

-Hiện nay tổng công suất đặt của EVGENCO1 là khoảng gần 7200 MW. Chiến lược của EVNGENCO1 từ giờ trở đi chủ yếu là phát triển NLTT, và theo tính toán của chúng tôi thì với lộ trình phát triển NLTT như dự kiến thì đến năm 2040 nếu tính NLTT gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió sẽ chiếm khoảng 50% cơ cấu nguồn điện của EVNGENCO1. Riêng ĐGNK sẽ có từ 2000 đến 3000 MW, ước chiếm khoảng 20% cơ cấu nguồn.

-Trân trọng cảm ơn ông!


  • Theo Tạp chí Thời Đại