Đề tài thử nghiệm đốt than trộn khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của EVNGENCO1

Ngày 2/8/2019, Tổng công ty phát điện 1 đã tổ chức buổi nghiệm thu đề tài: “Nghiên cứu đốt trộn than anthracite (DH1) và than subbituminous (DH3) tại lò hơi nhiệt điện Duyên Hải 1”, sau thực hiện 2 lần thử nghiệm thành công. Đề tài đã khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của EVNGENCO1 và mở ra khả năng đảm bảo nguồn than của EVNGENCO1 tại NMNĐ Duyên Hải 1.

Đây là một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được Tập đoàn điện lực Việt Nam giao cho EVNGENCO1 thực hiện. Trong bối cảnh của việc nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu than luôn là vấn đề nóng hổi ở các nước sở hữu các nhà máy nhiệt điện đốt than với tỷ trọng lớn. Hiện nay, trên thế giới đã có một số nước nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ đốt trộn than (than khó cháy trộn với than dễ cháy) như Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc. 

 Tại Việt Nam, đã có một đề tài cấp nhà nước đốt trộn than Anthracite với than Subbituminous tại lò hơi nhiệt điện Ninh Bình với tỷ lệ trộn thay đổi là 5%, 10%, 20%, 30% than á bitum của Indonesia - loại than có chất bốc cao, dễ cháy so với than antraxit của Việt Nam. Nghiên cứu được tiến hành theo Đề tài do PGS TS Trương Duy Nghĩa - Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam (VTA), thực hiện. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đang trong giai đoạn thử nghiệm. [6,8,9]

Tổng công ty Phát điện 1 đã thực hiện thành công đề án đốt trộn than cám 5a.3 và than cám 5a.4 tại nhà máy Nhiệt điện Uông Bí MR và MR 2, đã thể hiện rõ năng lực và khả năng thực hiện đề tài “Nghiên cứu đốt trộn than anthracite (DH1) và than subbituminous (DH3) tại lò hơi nhiệt điện Duyên Hải 1” của Tổng công ty Phát điện 1. 

Với mục tiêu là Tìm ra tỷ lệ trộn than subbituminous/anthracite tối đa mà vẫn đảm bảo độ khả dụng của tổ máy Duyên Hải 1; Đánh giá các chỉ tiêu KTKT lò hơi, thông số phát thải lò hơi, khả năng đóng xỉ và hiệu quả việc đốt trộn than, so sánh chế độ đốt than trong trong nước và chế độ đốt trộn than; Giải quyết bài toán đa dạng nguồn than sử dụng cho NMNĐ Duyên Hải 1, thực hiện nhiệm vụ đảm báo an ninh năng lượng, Tổng công ty Phát điện 1 kỳ vọng đề tài nghiên cứu khoa học này sẽ sớm được nghiệm thu, công bố và đi vào thực tiễn.

 


  • Phạm Phương Thảo (VP)