Nhiệt điện Duyên Hải: Chuyển đổi số, phương thức hoạt động thông minh, hiệu quả, tiết kiệm

Nhằm thích ứng an toàn trong môi trường chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã kịp thời tiếp cận, ứng dụng các công nghệ mới và tích cực thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, xu hướng chuyển đổi số đã tạo ra nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức hoạt động mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số do Tổng công ty Phát điện 1 giao trong năm nay 2022, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (gọi tắt Công ty) đã chủ động chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tham gia công tác chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực hoạt động, với các mục tiêu cụ thể: cập nhật cơ sở dữ liệu cho các hệ thống lên phần mềm PMIS; hoàn thành phân tích RCM cho 12 hệ thống thiết bị; hoàn thành việc rà soát, hiệu chỉnh, ban hành mới quy trình và cập nhật lên phần mềm PMIS; số hóa hoạt động văn phòng, quản trị; truyền thông đến tất cả CBCNV về chương trình chuyển đổi số; tiếp tục xây dựng các phần mềm ứng dụng tại Công ty. Qua đó, góp phần “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” trong điều kiện bình thường mới sau dịch Covid-19.

Chuyển đổi số đã mang đến những thay đổi rõ nét trong công tác điều khiển và giám sát vận hành

Xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất là nền tảng cốt lõi và quan trọng trong công tác vận hành an toàn, ổn định hệ thống lưới điện trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay, Công ty đã áp dụng tốt và linh hoạt phần mềm Quản lý kỹ thuật nguồn điện (PMIS) dùng chung của EVN vào vận hành, khai thác được đa số các phân hệ trên phần mềm giúp Công ty quản lý kỹ thuật một cách hiệu quả, khoa học, trong đó, hoàn thành cập nhật 100% cây thư mục thiết bị đến thiết bị lên phần mềm; cập nhật đầy đủ về số lượng và thông tin theo qui định (15.923 thông số vận hành; 124.927 đầu mục thiết bị). Hoàn thành phân tích RCM trên Excel cho 12 hệ thống thiết bị NMNĐ; thực hiện rà soát/ban hành mới lại các quy trình bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trên PMIS, phân chia, hiệu chỉnh lại theo các thư mục riêng.

Toàn bộ các danh mục sửa chữa các tổ máy sẽ được Công ty áp dụng công nghệ thông tin trong sửa chữa theo phương pháp RCM; số hóa quy trình xử lý khiếm khuyết thiết bị, quy trình giám sát, nghiệm thu sửa chữa trên phần mềm PMIS thay cho quy trình truyền thống, đã mang lại hiệu quả cao cho việc lập phương án sửa chữa các hệ thống thiết bị, cập nhật đầy đủ danh mục hệ thống cần phân tích, từ đó hàng năm sẽ theo dõi và thực hiện phân loại, lựa chọn để áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng phù hợp giúp giảm suất sự cố thấp nhất và tăng hệ số khả dụng các tổ máy tại Công ty.

Song song với ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, Công ty đã thực hiện triển khai thống nhất Hệ thống văn phòng số (Digital Office), gồm đầy đủ các phân hệ trên E-OFFICE 3.0 như Phân hệ Văn thư, Phân hệ Văn bản đến, Công việc, Phân hệ Văn bản đi/Phân hệ Văn bản đi nội bộ, Hồ sơ tài liệu, đánh giá, chấm điểm, tích hợp hệ thống gửi nhận văn bản giữa EVN và các đơn vị,... Hệ thống Digital Office được tích hợp với hệ thống Quản lý nguồn nhân lực HRMS, EVNCA, EVNPORTAL, xây dựng các chuẩn, sẵn sàng tích hợp các dịch vụ tiện ích văn phòng. Toàn bộ quy trình soạn thảo, ký số, phê duyệt, ban hành, tiếp nhận, lưu trữ văn bản đều được thực hiện trên môi trường số. Hiện tại, 100 % CBCNV có chức trách, nhiệm vụ được cấp chữ ký số và được áp dụng trong các ứng dụng/giao dịch quản lý nội bộ, 100% văn bản được pháp luật cho phép được số hóa dưới dạng số liệu số và được lưu trữ, ứng dụng các công nghệ mới để khai thác, phân tích thông tin đã được số hóa.

Chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề về nhận thức, do đó công ty đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến CBCNV về lộ trình chuyển đổi số của Công ty nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận và bảo đảm sự vào cuộc của toàn thể CBCNV Công ty, đặc biệt là là trang bị cho CBCNV những kiến thức nền tảng, kinh nghiệm phục vụ quá trình triển khai chuyển đổi số.

Theo đó, Công ty đã tổ chức nhiều khoá đào tạo như: Đào tạo nhận thức về chuyển đổi số và ứng dụng AI trong ngành điện, đào tạo về kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cho đội ngủ Trưởng ca, Trưởng kíp, vận hành viên,... Phối hợp với trường Đại học Bách khoa TP HCM đào tạo văn bằng 2 chuyên ngành Công nghệ thông tin cho cán bộ công nhân viên, xây dựng chương trình số hóa tài liệu kỹ thuật, tài liệu quản lý vận hành.

Ngoài ra, cũng chủ động thực hiện các khóa học trên hệ thống E-Learning về Cẩm nang chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, Sổ tay chuyển đổi số EVN, cuộc thi Tìm hiểu kiến thức về chuyển đổi số, giúp người lao động có cái nhìn toàn diện và rõ nét hơn, nắm bắt cơ hội nâng cao chuyên môn, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số năm 2022 và đến năm 2025 của EVN/ EVNGENCO1.

Đến nay, toàn bộ CBCNV Công ty cơ bản đã nắm vững những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình chuyển đổi số của đơn vị và vai trò của mình trong chuyển đổi số; Có nhận thức cơ bản về chuyển đổi số; Có kỹ năng ứng dụng thông tin cơ bản, …

Ứng dụng phần mềm Quản lý vật tư thiết bị bằng QR giúp tối ưu hóa công tác quản lý vật tư thiết bị tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải

Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các phần mềm dùng chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thời gian qua, Công ty đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm như: Phần mềm Quản lý vật tư thiết bị bằng QR, Phần mềm Quản lý sửa chữa bảo dưỡng, Phần mềm Điều tàu, Phần mềm Quản lý kho than, Phần mềm chuyển đổi định kỳ thiết bị,… đáp ứng được tính thiết thực, giúp tăng hiệu quả công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Công ty.

Những kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số là nền tảng quan trọng giúp Công ty nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tính tự chủ, khả năng thích ứng, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành trong năm 2022.


  • Mộng Huyền