EVNGENCO1 triển khai mô hình quản trị rủi ro theo quy định mới của EVN

Căn cứ Nghị quyết số 99/NQ-HĐTV ngày 01/3/2021 của Hội đồng thành viên EVN về việc triển khai mô hình hoạt động quản trị rủi ro trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam, Hội đồng Thành viên EVNGENCO1 đã chủ động cập nhật thông tin, bước đầu triển khai mô hình quản trị rủi ro mới trong Tổng công ty tại Nghị quyết số 203/NQ-HĐTV ngày 16/7/2021, đánh dấu một sự thay đổi căn bản công tác quản trị rủi ro tại Tổng công ty Phát điện 1.

Mô hình quản trị rủi ro mới sau đó đã được thể chế hóa cụ thể tại Quy chế quản trị trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam ban hành kèm Quyết định số 123/QĐ-HĐTV ngày 01/10/2021 của EVN (Quy chế 123).

Mô hình quản trị rủi ro tại Tổng công ty Phát điện 1

Theo đó, Hội đồng thành viên Tổng công ty chịu trách nhiệm định hướng, chỉ đạo và giám sát toàn diện công tác quản trị rủi ro trong Tổng công ty. Mỗi Ban chức năng/Đơn vị đều có một nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản trị rủi ro.

Trong mô hình quản trị rủi ro 3 tuyến của Tổng công ty, các Ban chuyên môn Tổng công ty là tuyến thứ nhất , đóng vai trò là các chủ rủi ro, có nhiệm vụ nhận diện, đánh giá và xử lý rủi ro trong lĩnh vực phạm vi phụ trách; Ban Tổng hợp Tổng công ty được giao nhiệm vụ là tuyến thứ hai, làm đầu mối quản trị rủi ro tại Tổng công ty; Ban Kiểm toán nội bộ và Giám sát tài chính Tổng công ty đóng vai trò tuyến thứ ba, là bộ phận đánh giá độc lập về tính hiệu quả của công tác quản trị rủi ro tại Tổng công ty.

Ngoài ra, Giám đốc các Đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ chỉ đạo thiết lập cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động quản trị rủi ro của đơn vị mình theo quy định, đồng thời chỉ đạo, tổ chức thực hiện và giám sát toàn diện công tác quản trị rủi ro của đơn vị mình.

Cho đến nay, Tổng công ty Phát điện 1 đã đạt được một số kết quả nhất định trong quá trình hoàn thiện khung quản trị rủi ro năm 2022 của Tổng công ty. Ngay sau khi ban hành Danh mục rủi ro tổng thể và Danh mục rủi ro trọng yếu năm 2022, Tổng công ty đã kịp thời xây dựng Chương trình quản trị rủi ro tổng thể năm 2022 và được Hội đồng thành viên phê duyệt ngày 16/02/2022.

Những kết quả trên còn khá khiêm tốn trong rất nhiều công việc mà Tổng công ty cần thực hiện để vận hành cơ chế quản trị rủi ro trong năm 2022 theo quy định mới. Dự kiến trong năm 2022, ngoài thực hiện chuyển tiếp kế hoạch đào tạo năm 2021 về quản trị rủi ro đã được phê duyệt, Tổng công ty sẽ nghiên cứu, xây dựng tài liệu quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, tổ chức các hội thảo để phổ biến, đào tạo nội bộ cho các đơn vị thành viên, công ty liên kết. Bước đầu, ngày 11/5/2022 vừa qua, buổi hướng dẫn các Ban/ Đơn vị thành viên về công tác quản trị rủi ro đã được tổ chức với sự chủ trì của ông Đinh Kim Cương - Thành viên Hội đồng thành viên.

Hướng dẫn các Ban/ Đơn vị thành viên về công tác quản trị rủi ro ngày 11/5/2022

Sau khi hoàn thiện khung quản trị rủi ro, Tổng công ty sẽ xây dựng hồ sơ rủi ro trọng yếu, thông số rủi ro, mức độ chấp nhận rủi ro năm 2022, xây dựng hồ sơ rủi ro cấp quy trình… làm tiền đề để quản trị rủi ro cho các năm tiếp theo./.


  • Trương Thị Huyền Trang