Công ty DHD đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh

Không nằm ngoài xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong những năm qua ban Lãnh đạo cũng như đội ngũ kỹ thuật Công ty ĐHĐ không ngừng nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu về CNTT vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ đề “Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp 4.0” đã được đề cập, thảo luận, tranh luận nhiều trong các buổi hội thảo, tọa đàm do EVN, EVNGENCO1 tổ chức. Ban Lãnh đạo Công ty ĐHĐ đã quyết tâm hành động với tinh thần “dấn thân hơn nữa”, “mạnh dạn hơn nữa” nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty ĐHĐ nhằm phát huy tinh thần sáng tạo trong đổi mới khoa học, công nghệ, ứng dụng CNTT trong điều hành, quản trị tại tất cả các phòng ban trong Công ty.

Hình ảnh minh họa vạn vật kết nối trong CMCN 4.0

Trong thực tế, kết quả khảo sát của Ban tổ chức ICT Summit 2017 đối với 275 cơ quan, đơn vị tham dự cho thấy: 35,2% đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0; 58,7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì; 6,1% chưa tìm hiểu và chưa biết chuẩn bị ra sao. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra của Công ty ĐHĐ là làm thế nào để việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh trong Công ty được đẩy mạnh, từ đó nâng cao năng suất trong lao động, hiệu quả trong sản xuất.

Tại Công ty ĐHĐ, đội ngũ kỹ thuật đã không ngừng nghiên cứu, phát triển và đưa ra những phần mềm hữu ích cho người dùng cũng như ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào thực tiễn. Bằng chứng là trong những năm vừa qua Công ty ĐHĐ đã cho ra đời các phần mềm như:

Hệ thống điều khiển tập trung (OCC): Công ty ĐHĐ đã không ngừng cải tiến hệ thống OCC với nền tảng vạn vật kết nối (internet of thing - IoT), tích hợp, bổ sung các module mới để hệ thống không ngừng được hoàn thiện như: tích hợp các trạm thủy văn mới, tích hợp các DCS Đa Nhim mở rộng, Da Mi solar, Hàm Thuận sau nâng cấp, tích hợp các hệ thống quan trắc đập…

Trung tâm OCC đã và đang trở thành một hệ thống kết nối liên thông các hệ thống thông tin, một sợi dây liên kết số (Digital threat) các dữ liệu rời rạc. OCC trở thành một trung tâm tích hợp với các tính năng chính như: điều khiển, giám sát, báo cáo, chào giá… quản lý và điều hành toàn bộ các nhà máy của Công ty ĐHĐ.

Không dừng lại ở đó, bộ phận kỹ thuật Công ty ĐHĐ đang nghiên cứu, ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI), Data Mining với khả năng dự đoán, cảnh báo dựa trên cơ sở dữ liệu rất lớn mà hệ thống OCC đang có được.

Giao diện giám sát online tổng thể toàn Công ty tại OCC

Các sản phẩm phục vụ công tác quản lý nội bộ: Khi nhân loại đang bước vào kỷ nguyên số với CMCN 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ. Đây là lĩnh vực mà Công ty ĐHĐ cũng hết sức chú trọng, để chuyển đổi dần từ thủ công sang các phần mềm số như:

- Phần mềm quản lý xăng dầu, lịch trình xe;

- Phần mềm tính lương;

- Phần mềm gửi tin nhắn online phục vụ công tác phòng chống lụt bão;

- Phần mềm quản lý tài sản bằng mã QRCode;

- Hệ thống quản lý các sự cố nội bộ.

Giao diện website quản lý xăng dầu, lịch trình xe

Giao diện website quản lý mã tài sản cố định bằng QRCode

Ứng dụng các nền tảng AI, IoT vào việc chuyển đổi số: Tận dụng các nền tảng tiên tiến về CNTT trên thế giới như các ứng dụng về Ai, IoT với các hệ thống như sau:

1)  Xây dựng thư viện số dựa trên hệ sinh thái G-Suite của Google: Trên hệ sinh thái này Công ty ĐHĐ đang trong quá trình xây dựng các module của thư viện số như: thư viện tài liệu kỹ thuật, thư viện quản lý hồ sơ, giấy tờ, thư viên hình ảnh…

Với thư viện số, đội ngũ kỹ thuật Công ty ĐHĐ cũng đã tích hợp công nghệ Search Engine của Google (sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình tìm kiếm tài liệu) hết sức tiện lợi và nhanh chóng. Để xây dựng được một thư viện số hoàn chỉnh, sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng Công ty ĐHĐ vẫn quyết tâm trên dưới đồng lòng để đưa con thuyền ĐHĐ tiến tới kỷ nguyên số.

Giao diện một module trong thư viện số

2)  Sử dụng hệ sinh thái G-Suite xây dựng các bộ nhớ dùng chung, lưu trữ tài liệu trên môi trường Cloud: tích hợp đồng bộ dữ liệu trên nhiều thiết bị khác nhau như máy tính, điện thoại, máy tính bảng … Công ty ĐHĐ đang dần chuyển đổi cách thức báo cáo từ hình thức riêng lẽ truyền thống thành các báo cáo online (cập nhật trực tiếp trên môi trường mạng) giảm thiểu nhiều thời gian báo cáo qua mail, các phòng ban có thể phối hợp một cách chủ động trong công việc.

Cũng với G-Suite, Công ty ĐHĐ cũng dần khuyến khích toàn thể CBCNV chuyền dần từ hình thức lưu trữ file truyền thống trên ổ cứng vật lý sang các bộ nhớ Cloud do Công ty cấp cho từng cá nhân, giảm thiểu khả năng mất an toàn về dữ liệu, chủ động về công việc, có thể truy cập dữ liệu của mình mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm chi phí đầu tư các bộ nhớ vật lý.

3) Ứng dụng công nghệ AI vào xây dựng các bài giảng E-Learning: để tăng cường ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0, đội ngũ kỹ thuật của ĐHĐ cũng đã nghiên cứu và ứng dụng các thư viện AI của FPT vào việc chuyển đổi từ chữ sang giọng nói giúp các cán bộ phụ trách xây dựng các bài giảng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn.

Giao diện ứng dụng các thuật toán, thư viện AI – Chuyển từ chuỗi sang giọng nói

Để ứng dụng mạnh mẽ thành quả của cuộc CMCN 4.0 vào công tác SXKD, trong thời gian tới Công ty sẽ phổ biến rộng rãi đến toàn thể CBCNV trong Công ty các chủ trương như sau:

Thứ nhất: Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thỏa đáng các đơn vị, cá nhân trong việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số tại chính đơn vị mình từ đó xây dựng, khơi gợi niềm “đam mê đổi mới” trong Công ty. Thành lập các nhóm chuyên trách như “các nhóm chuyên gia” để quản lí, nghiên cứu và ứng dụng các lĩnh vực mình đang nghiên cứu vào thực tiễn Công ty. Thường xuyên tổ chức hội thảo để chia sẻ cập nhật sản phẩm, công nghệ có liên quan mới nhất của xã hội, các xu thế phát triển trong giai đoạn mới, qua đó góp phần tích cực thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa của Công ty.

Thứ hai: Thay đổi về suy nghĩ, nhận thức đúng đắn từ các cán bộ công nhân viên trong toàn Công ty khi thực hiện công việc. Có nhiều lo ngại về sự không an toàn thông tin khi sử dụng các dịch vụ trên Internet khi không ít những vụ việc bị hacker tấn công. Trên thực tế, những Công ty chuyên cung cấp dịch vụ phần mềm Google, Viettel, FPT, Amazon, IBM ... đã đầu tư những khoản ngân sách rất lớn trong việc nâng cao hệ thống an ninh mạng, từ đó có thể bảo vệ dữ liệu của khách hàng một cách gần như tuyệt đối.


  • Trịnh Xuân Duy (Công ty ĐHĐ)
  • 0 nhận xét


Gửi nhận xét