Chuyển đổi số và chuyện... 'luộc ếch'

Hiện vẫn còn không ít những nghi ngờ về khái niệm chuyển đổi số. Tuy nhiên, nếu muốn phát triển và bắt kịp xu thế của thời đại, buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức. Đó chính là yếu tố đầu tiên dẫn đến thành công trong chuyển đổi số.

Còn ngờ vực về chuyển đổi số?

Khái niệm về cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã xuất hiện từ năm 2012 tại hội chợ Hannover (Đức) và sau này là các khái niệm về chuyển đổi số, về Bigdata, AI, Blockchain, Digital Twin,... Tuy nhiên, gần 10 năm qua (2012 - 2020), các ứng dụng của cuộc CMCN 4.0 hay ứng dụng chuyển đổi số vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Theo đánh giá của Tạp chí Forbes, năm 2019, thế giới đầu tư 1.300 tỷ USD cho chuyển đổi số, nhưng có 900 tỷ USD không đạt được mục tiêu đề ra, hầu hết lãnh đạo các công ty đều cho rằng, chuyển đổi số là rủi ro cần quan tâm đầu tiên trong các vấn đề của công ty. 

Việt Nam đã nắm bắt xu hướng chuyển đổi số của thế giới khi năm 2017, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 và Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Điều này cho thấy sự thay đổi mạnh về nhận thức của Đảng, Chính phủ đối với tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, EVN đã xây dựng và ban hành Nghị quyết 473/NQ-HĐTV ngày 5/11/2018 và Quyết định số 290/QĐ-EVN ngày 6/11/2018 triển khai ứng dụng thành tựu KHCN của cuộc CMCN 4.0. EVN đã gặp gỡ, tổ chức các cuộc hội thảo với các đơn vị, chuyên gia, tư vấn đầu ngành về chuyển đổi số, tham khảo, học tập và xác định hướng đi phù hợp, hiệu quả để áp dụng cho Tập đoàn.

Quyết định số 63/QĐ-HĐTV ngày 08/4/2020 đã giao 30 nhiệm vụ ứng dụng thành tựu KHCN của cuộc CMCN 4.0 cho 13 đơn vị là các Tổng công ty, đơn vị trực thuộc Tập đoàn thực hiện. Nhiều đơn vị đã thực sự thay đổi nhận thức, chủ động khắc phục khó khăn, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, tạo ra không khí lao động tích cực, sáng tạo, hào hứng trước thành quả cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, kết quả đạt được từ năm 2017 đến nay của cả nước nói chung và EVN nói riêng chưa nhiều, sức thuyết phục về tính hiệu quả, khả thi trong ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong chuyển đổi số còn thấp.

Ảnh minh họa


Kinh nghiệm cho thấy, để tạo ra sự phát triển đi tắt, đón đầu và bắt kịp xu thế thời đại, tất cả các công nghệ đều phải được quan tâm theo dõi, nghiên cứu và hiểu một cách sâu sắc. Chỉ đến khi hiểu được một cách sâu sắc, mới có thể biến thành các giải pháp cụ thể thúc đẩy sự phát triển, vận động của công nghệ, tâm lý sẵn sàng chấp nhận cái mới, sẵn sàng đối đầu với các khó khăn thách thức, hướng tới cái mới hơn, tốt đẹp hơn.Trong nhiều cuộc họp, các khái niệm CMCN 4.0, Bigdata, Blockchain, AI,... luôn được nhắc đến với những cách hiểu rất khác nhau. Các quan điểm về CMCN 4.0 và chuyển đổi số có phải là một hay khác nhau luôn xuất hiện. Đi kèm với đó là các ứng dụng CMCN 4.0 hay chuyển đổi số chưa có tính phổ quát cao, chưa thấy rõ được hiệu quả để có đủ tính thuyết phục đối với những người còn hoài nghi. Vẫn còn một bộ phận lớn cán bộ và người lao động nghi ngờ về sự thành công của cuộc CMCN 4.0, của chuyển đổi số. 

Việc thay đổi nhận thức có thể ví với câu chuyện luộc ếch hay còn gọi là hội chứng ếch luộc (boiling frog). Nếu bỏ con ếch vào trong nồi nước nóng, nó sẽ nhảy ra ngoài ngay và không bị luộc chín. Còn bỏ nó vào nồi nước lạnh, nó sẽ bị luộc chín, do nó cảm thấy thoải mái khi nhiệt độ nước tăng lên từ từ cho đến khi nước sôi và con ếch không còn đủ thời gian và sức lực để nhảy ra. Đối với con người cũng vậy, nếu thỏa mãn với những gì đang có và không có tinh thần chuyển đổi nhận thức chấp nhận cái mới trong sự vận động, biến đổi hàng ngày của KHCN, một ngày nào đó, chúng ta sẽ bị “luộc chín” và không còn khả năng kiểm soát chính bản thân mình cũng như công việc.

Chuyển đổi nhận thức trong chuyển đổi số 

Rất nhiều nghiên cứu về chuyển đổi số cho thấy, việc thuyết phục từng phòng ban trong doanh nghiệp (DN) chấp nhận thay đổi thói quen và hợp tác là không dễ dàng với các nhà quản lý công nghệ. Có thể nêu một vài con số cụ thể, rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số gồm: 24% do văn hóa và 27% do thiếu sự hợp tác. Như vậy, để chuyển đổi số thành công, trước tiên phải chuyển đổi nhận thức của toàn bộ hệ thống, hướng mọi nguồn lực của đơn vị vào mục tiêu chung.

Theo các nghiên cứu tâm lý học, để chuyển đổi được nhận thức của con người cần phải trải qua các giai đoạn sau:

1. Chấp nhận, suy nghĩ của mình phải thay đổi. Tất cả mọi người đều có các suy nghĩ và định kiến riêng và không dễ dàng thay đổi các nhận thức này, do đó, bước đầu tiên của chuyển đổi nhận thức phải có ý thức nhận ra và chấp nhận các suy nghĩ của cá nhân cần phải thay đổi.

2. Xác định tư duy tiêu cực của cá nhân. Theo thống kê, mỗi người có khoảng 65.000 suy nghĩ xuất hiện trong đầu mỗi ngày, hầu hết các suy nghĩ đó đều là tiêu cực như nghi ngờ về khả năng bản thân, tự mình giới hạn năng lực... Để chuyển đổi được nhận thức, mỗi người cần phải hiểu rõ những tư duy tiêu cực này.

3. Thay đổi suy nghĩ. Khi các suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, cần tìm cách dừng các suy nghĩ đó lại và nghĩ về những điều tích cực.

4. Hiểu được các vấn đề đang xảy ra. Tự làm mới mình và tập trung vào những mục tiêu cụ thể cần phải thực hiện.

5. Phải nhận ra rằng, động lực và suy nghĩ tích cực là chưa đủ.

6. Bắt đầu từ những việc nhỏ và kết thúc bằng việc lớn.

7. Cho phép được mắc sai lầm.

Ảnh minh họa

Như vậy, để chuyển đổi được nhận thức, EVN cần xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ tham khảo theo 7 nội dung nêu trên. Một số nội dung có thể triển khai làm thay đổi nhận thức của những người còn hoài nghi: thông qua đào tạo, hội thảo về chuyển đổi số, cung cấp thật nhiều thông tin, qua nhiều kênh, nhiều quan điểm, nhiều lần tương tác để họ xuất hiện suy nghĩ “cần phải thay đổi”. Ngoài các khóa đào tạo về kiến thức chuyển đổi số, cần lồng ghép với các khóa đào tạo về tâm lý con người trong chuyển đổi nhận thức, hiểu về suy nghĩ của bản thân, hiểu cách làm chủ bản thân.

Đào tạo cho những người đã chuyển đổi nhận thức các kỹ năng giúp họ hiểu và truyền lại cho những người còn hoài nghi thay đổi nhận thức của mình. Thực hiện các nhiệm vụ, dự án, đề tài, ứng dụng CMCN 4.0, chuyển đổi số quy mô nhỏ để truyền thông lại cho những người chưa chuyển đổi nhận thức, giúp họ có thêm niềm tin trong khi quá trình chuyển đổi số đang diễn ra liên tục và kéo dài. Cần truyền thông trong chuyển đổi nhận thức bằng những kết quả nhỏ, để chứng minh tính khả thi cho những công việc lớn, quy mô lớn hơn, mất nhiều thời gian hơn.

Xuyên suốt trong cả quá trình chuyển đổi số, phải xây dựng các cơ chế quản lý mới, chấp nhận “thử và sai”, chấp nhận thử nghiệm và rủi ro trong thử nghiệm để cho những người còn hoài nghi thấy được và không chịu nhiều áp lực trong việc ứng dụng các công nghệ mới. 

Những nhận định sai lầm trong lịch sử phát triển công nghệ

Thực tế ngày nay

Năm 1876, "Chiếc 'điện thoại' này có quá nhiều thiếu sót để được coi là một phương tiện liên lạc một cách nghiêm túc" - William Orton, Chủ tịch Western Union 

Ước tính có hơn 9 tỷ điện thoại di động đang được lưu hành, nhiều hơn số người trên thế giới

Năm 1889, “Sự lừa dối của dòng điện xoay chiều (AC) chỉ làm lãng phí thời gian. Sẽ không bao giờ có ai sử dụng nó” - Thomas Edison

AC hiện được sử dụng trên toàn thế giới

Năm 1903, “Ngựa sẽ không thể thay thế trong hệ thống vận chuyển, ô tô chỉ là một thứ mới lạ, một thứ mốt nhất thời” - Chủ tịch Ngân hàng Tiết kiệm Michigan khuyên luật sư của Henry Ford, Horace Rackham, không nên đầu tư vào Ford Motor Company

Có khoảng một tỷ ô tô chạy trên các con đường khắp thế giới

Năm 1943, "Tôi nghĩ rằng có một thị trường trên thế giới với chỉ năm máy tính" - Thomas Watson, chủ tịch của IBM

Khoảng hai tỷ máy tính được sử dụng trên khắp thế giới

Năm 1946, "Truyền hình sẽ không thể trụ lại bất kỳ thị trường nào mà nó chiếm được sau sáu tháng đầu tiên. Mọi người sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi khi nhìn chằm chằm vào một hộp gỗ dán mỗi đêm" - Darryl Zanuck, 20th Century Fox

Có ít nhất một chiếc tivi được đặt trong 1,4 tỷ hộ gia đình trên khắp thế giới

Năm 1995, "Tôi dự đoán Internet sẽ sớm xuất hiện một cách ngoạn mục và năm 1996 sụp đổ thảm khốc" - Robert Metcalfe, người sáng lập 3Com

Năm 2019 ước tính có 4,13 tỷ người truy cập Internet thường xuyên

Năm 2007, “Không có cơ hội để iPhone giành được bất kỳ thị phần đáng kể nào” - Steve Ballmer, Giám đốc điều hành Microsoft

Khoảng hơn 40% điện thoại di động được cho là iPhone


  • Theo evn.com.vn