Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão

Trước những diễn biến phức tạp của đợt áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, với tầm ảnh hưởng liên quan tới khu vực các nhà máy thủy điện thuộc Tổng công ty Phát điện 1, EVNGENCO1 đã có công điện khẩn gửi các đơn vị để chuẩn bị các biện pháp ứng phó kịp thời.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển nhanh và tiếp tục mạnh lên. Các chuyên gia cũng nhận định rằng, áp thấp nhiệt đới tương tự như cơn bão Damrey hồi tháng 11/2017 đổ bộ vào Khánh Hòa gây gió mạnh và mưa rất lớn, nên các địa phương không được chủ quan.

Khoảng chiều tối 30/10, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền các tỉnh, TP khu vực Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là cơn áp thấp nhiệt đới có tính chất rất phức tạp, nguy hiểm do tác động của dải hội tụ nhiệt đới, không khí lạnh.

Từ ngày 31/10 đến 2/11, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 200-300 mm/đợt, riêng các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500 mm/đợt.

Để chủ động phòng, chống, hạn chế thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra, Tổng công ty Phát điện 1 đã yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Tranh; Công ty Thủy điện Đại Ninh; Công ty Thủy điện Đồng Nai; Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi khẩn trương thực hiện các công việc sau:

Thường xuyên theo dõi các thông tin cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (địa chỉ website: www.kttv.gov.vn) và tham khảo các trang thông tin dự báo của Quốc tế để chủ động có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Triển khai phương án để ứng phó với áp thấp nhiệt đới dự báo mạnh lên thành bão, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.

Tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; Tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, vùng hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, đặc biệt là các điểm xung yếu, các sự cố do các đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục; Bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp; Báo cáo và thông báo kịp thời, đúng quy định cho các địa phương và cơ quan liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.

Đặc biệt, Các Đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống, xử lý kịp thời ảnh hưởng của ATNĐ; báo cáo nội dung liên quan về thường trực BCH PCTT&TKCN Tổng công ty vào 7h00 và 14h30 hàng ngày và cập nhật báo cáo số liệu vào trang Web (https://phongchongthientai.evn.com.vn).


  • Phạm Phương Thảo (VP)