Các đơn vị, đặc biệt là khối thủy điện chủ động ứng phó với cơn bão số 9 - Molave

Đó là một trong những yêu cầu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tổng công ty Phát điện 1 tại công điện khẩn ngày 26/10/2020 về việc ứng phó với bão Molave (bão số 9). Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy điện, vận hành sẵn sàng đón lũ,

Dự kiến hướng đi của bão số 9. Nguồn ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia

Thực hiện các chỉ đạo của Thủ Tướng Chính Phủ và công điện khẩn của EVN, cũng như tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo EVN trong cuộc họp về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 9, Tổng công ty Phát điện 1 cũng đã ngay lập tức ban hành công điện khẩn yêu cầu các đơn vị khẩn truơng thực hiện các biện pháp quyết liệt ứng phó lũ. 

Nhận định đây là cơn bão được dự báo rất mạnh và khu vực ảnh hưởng của cơn bão ảnh hưởng đến các đơn vị thuỷ điện trong Tổng công ty, đặc biệt là thuỷ điện Sông Tranh 2, ngay trong ngày, Tổng công ty Phát điện 1 cũng cử đoàn công tác do PTGĐ Nguyễn Tiến Chương dẫn đầu vào Công ty Thủy điện Sông Tranh để trực tiêps kiểm tra và chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó cơn bão số 9.

Để ứng phó với những diễn biến phức tạp của mưa lũ, theo yêu cầu của Uỷ ban PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam, CTTĐ Sông Tranh đã vận hành hạ thấp mực nước hồ và từ 19h30 ngày 26/10/2020 bắt đầu xả nước điều tiết tạo dung tích hồ đón lũ với lưu lượng 800-1500m3/s.

Cũng với mục đích xả nước hạ thấp mực nước hồ tạo dung tích đón lũ, từ 20h ngày 26/10, Công ty Thuỷ điện Đại Ninh cũng bắt đầu xả nước điều tiết với dung lượng 50m3/s.

Trong công điện khẩn, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tổng công ty Phát điện 1 yêu cầu các Đơn vị chủ động đối phó với cơn bão số 9, khẩn trương thực hiện các công việc sau:

1. Khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo liên quan tại Công điện số 7095/CĐ-EVN ngày 26/10/2020 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

2. Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (địa chỉ web www.kttv.gov.vn) để chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời. Cập nhật, thực hiện đầy đủ các nội dung trong Công điện, văn bản chỉ đạo của các cấp.

3. Triển khai, rà soát, cập nhật, bổ sung phương án ứng phó thiên tai phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể tại đơn vị, địa phương; đảm bảo cung cấp điện an toàn, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng; bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình điện lực. Chuẩn bị mọi nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để kịp thời triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra.

4. Tạm dừng các hoạt động chưa cần thiết; tập trung tổ chức chỉ đạo, kiểm tra, triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan đến ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

5. Các Đơn vị thủy điện: (i) Tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn, chủ động phối hợp với BCH PCTT&TKCN tỉnh để tuyên truyền, vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả đặc biệt đối với các hồ chứa không còn hoặc dung tích phòng lũ thấp; (ii) Tham gia cắt/giảm/làm chậm lũ, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; (iii) Triển khai thực hiện các phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, vùng hạ du hồ chứa, đặc biệt là các điểm xung yếu; (iv) Bố trí lực lượng để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt biệt là tình huống xả lũ khẩn cấp.

6. Các Đơn vị nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Các đơn vị lưu ý dự phòng nhiên liệu cho sản xuất điện khi các địa phương thực hiện lệnh cấm biển.


  • Phạm Phương Thảo (VP)